Báo Tin Online

Nơi cung cấp thông tin mới nhất

KINH TẾ TIN TỨC

VÉ TÀU, XE TẾT ‘NÓNG’ TỪNG NGÀY

Khi thời gian đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ chỉ còn tính bằng ngày cũng là lúc vé máy bay, tàu xe ‘nóng’ hầm hập. Đến giờ này, gần như tất cả phương tiện vào những ngày cao điểm đều đã chốt sổ, khóa chỗ.

Muốn đổi vé cũng không còn cơ hội

Tết Nguyên đán năm nay bắt đầu sớm, lại nghỉ dài nên những ngày này, các bến xe tại TP.HCM như Miền Đông, Miền Tây đã tấp nập người dân TP.HCM về quê đón tết. Mặc dù hầu hết các tuyến xe chính đã chuyển về Bến xe Miền Đông mới nhưng tổng lượng khách qua Bến xe Miền Đông cũ vẫn dự báo tăng so với năm 2024, phục vụ khoảng 139.000 lượt hành khách. Và đến giờ này, mua vé phù hợp với nhu cầu là rất khó.

Vé tàu, xe tết 'nóng' từng ngày- Ảnh 1.

Người dân mua vé tàu tết tại Ga Sài Gòn

Anh Vũ Thanh Hoàn (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) cuối tuần vừa rồi mới có thời gian tìm mua vé xe về Đắk Lắk, nhưng gọi tất cả nhà xe quen đều báo hết vé giường nằm từ ngày 23 tới hết 29 tháng chạp. Chạy xe lên tận Bến xe Miền Đông hỏi nhưng cũng chỉ còn vé ngồi, anh Hoàn đành ngậm ngùi mua vé với giá 800.000 đồng. “Vé ngồi giờ bằng giá vé giường nằm luôn rồi, nhưng biết sao được, đi máy bay giờ này có mà hết cả tháng lương. Bây giờ mới mua vé thì có còn chỗ là mừng rồi”, anh Hoàn chia sẻ.

Trong khi đó, dù đã canh mua vé xe khách từ cách đây cả tháng nhưng Nguyễn Thị Minh Tuyền (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cũng không chọn được hành trình đúng ý để về Phú Yên đón tết cùng gia đình. Mua vé ngày mùng 1 tết không còn, Tuyền phải đặt vé giường nằm chuyến đêm với giá 700.000 đồng, gấp đôi ngày thường. Đáng nói, Tuyền mua vé vào lại TP.HCM mùng 4 tết với giá 650.000 đồng, giờ công ty chốt nghỉ thêm nên gia đình muốn đổi qua mùng 5 nhưng không nhà xe nào còn vé. “Năm nào cũng vậy, vé xe bán hết rất sớm, nên chưa có lịch nghỉ tôi vẫn mua đại, rồi nếu cần thì tìm người đổi sau. Năm nay căng thật sự. Bạn bè tôi canh mua vé cả tháng trước vẫn khó khăn, gần như ai cũng phải mua vé giá cao và không được giờ ưng ý. Hành trình săn vé tết năm nào cũng lắm gian nan”, Tuyền cám cảnh.

Theo đại diện Sở GTVT TP.HCM, dự báo số lượng hành khách đi lại nhu cầu dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng khoảng 6% so với năm ngoái do kỳ nghỉ tết kéo dài, vé máy bay và tàu hỏa khá cao. Từ ngày 20 tháng chạp năm Giáp Thìn đến mùng 10 tháng giêng năm Ất Tỵ, các bến xe sẽ phục vụ bình quân 94.000 lượt khách/ngày, tăng 50% so với lượng hành khách ngày thường. Tình hình bán vé xe tuyến cố định năm nay không quá biến động so với những năm trước. Các chuyến xe về miền Trung, đi Tây nguyên năm nào cũng ghi nhận nhu cầu rất lớn nên sớm hết vé. Các hãng xe thương hiệu thường ghi nhận hết vé ngay khi vừa mở bán, một phần do nhiều khách quen, một phần do giá bình ổn, phù hợp với nhiều đối tượng người dân.

Sở GTVT cũng nắm từ sớm thông tin một số công ty sẽ cho công nhân nghỉ sớm, một lượng người lao động sẽ về trước ngày 20 tháng chạp nên đã chủ động triển khai các kế hoạch để phục vụ tốt nhu cầu của người dân trong dịp tết. Để đảm bảo thuận tiện cho người dân đi lại, ngành giao thông thành phố sẽ triển khai các hoạt động kết nối hành khách từ khu vực trung tâm đến các bến xe, sân bay, ga tàu hỏa, như: tăng cường xe trung chuyển, điều phối lịch chạy tàu của metro Bến Thành – Suối Tiên. Đồng thời, tăng cường xe buýt nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao dịp tết. Giữa các đầu bến phía TP.HCM và địa phương khác cũng cập nhật tình hình giao thông, chuẩn bị kịch bản điều tiết nếu xảy ra ùn tắc trên hành trình xe đón khách.

Tàu hỏa, máy bay cũng chạy đua “khóa sổ”

Đông đúc, nhộn nhịp không kém các bến xe, từ cuối tháng 11.2024 đến nay, Ga Sài Gòn ngày nào cũng rất đông hành khách, chủ yếu là người dân về quê sớm. Vẫn còn lác đác người tới ga với hy vọng kiếm được những tấm vé cuối cùng về quê ăn tết, nhưng đa phần các chặng “hot” đều đã “khóa sổ”. Đơn cử, 10 mác tàu chạy ngày 25 – 29.1 (26 tháng chạp – mùng 1 tết) chặng Sài Gòn – Hà Nội đều không còn chỗ trống. Chặng Sài Gòn – Tuy Hòa cũng không còn ghế trống từ ngày 20.1. Những ngày trước đó cũng chỉ còn vài chuyến tàu có ghế trống, giá khá cao: Giá vé ngồi mềm điều hòa từ 660.000 đồng đến gần 850.000 đồng tùy mác tàu, giường nằm khoang 4 giá hơn 1,17 triệu đồng. Một số mác tàu còn giường nằm khoang 6 giá 968.000 đồng nhưng phải phụ thu chặng dài tới 778.000 đồng, tổng cộng giá vé 1,746 triệu đồng.

Vé tàu, xe tết 'nóng' từng ngày- Ảnh 2.

Năm nay, nhiều người lao động về quê ăn tết sớm

Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Công ty CP đường sắt Sài Gòn cho biết tính đến ngày 6.1, ngành đường sắt đã bán trên 282.000 vé tàu, trong đó bao gồm cả các vé tàu chia ra làm nhiều chặng ngắn. So với cùng kỳ ngày mở bán tết 2024, về sản lượng vé bán bằng 161% và doanh thu bằng 181%. Tính đến thời điểm hiện tại, giai đoạn cao điểm trước tết, các mác tàu chẵn đi ra phía bắc trong các ngày 15 – 19.1 và ngày 27, 28.1 còn khoảng 9.000 vé tàu từ ga Sài Gòn, Dĩ An, Biên Hòa đi tất cả các ga. Ngày 20 – 26.1 còn vé đi Nha Trang, Phan Thiết. Giai đoạn sau tết, các mác tàu lẻ (từ Hà Nội đi vào khu vực phía nam) trong các ngày cao điểm từ 31.1 – 3.2 chỉ còn một số ít vé; các ngày còn lại hiện vẫn còn nhiều vé tàu để đi từ các ga miền Bắc, miền Trung… vào phía nam.

So với tết năm ngoái, tổng số đoàn tàu phục vụ Tết Ất Tỵ 2025 giảm hơn 20 chuyến, tương đương giảm hơn 30.000 chỗ do không bán ghế phụ, đồng thời cải tạo 11 toa ghế thành toa giường nằm, giảm số chuyến và số lượng chỗ so với năm trước. Đáng chú ý, năm nay ngành đường sắt ngừng tính năng “mua vé giữ chỗ trả tiền sau” nhằm tránh tình trạng hành khách giữ chỗ mà chậm thanh toán. Do đó, nhìn chung tình hình vé tàu sẽ không có những biến động bất thường như hành khách “hủy kèo”, nhả vé.

Riêng với hàng không, dù đã sát tết nhưng các hãng bay vẫn đang nỗ lực thuê tàu, tăng tải. Ghi nhận từ Vietnam Airlines (VNA), đến thời điểm này, số lượng ghế VNA cung ứng ra thị trường cao điểm tết 2025 tăng hơn cùng kỳ năm 2024 gần 8%. Lượng hành khách thực tế mua vé cũng tăng hơn năm trước. Tỷ lệ lấp đầy đối với nhiều chuyến bay chiều cao điểm cao, một số chuyến bay ban ngày giờ đẹp đã hết chỗ. Để đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân, VNA đang điều phối sử dụng máy bay khai thác vào khung giờ tối muộn và sáng sớm để tận dụng slot tại các sân bay, tối ưu hóa giờ bay của máy bay; đồng thời đẩy nhanh việc thuê ướt và nhận tàu bay sớm.

“Ban đầu VNA dự kiến thuê ướt 2 máy bay, nhưng do nhu cầu hành khách tăng, nên hãng đã quyết định tăng cường và thuê thêm 1 chiếc, nâng tổng số lên 3 chiếc. Hình thức thuê ướt gồm tổ bay và tiếp viên nước ngoài. Dự kiến 2 máy bay thuê ướt đầu tiên phục vụ cao điểm tết này sẽ về VN vào ngày 10.1, chiếc thứ 3 về ngày 13.1. Ngay khi nhận máy bay, VNA sẽ làm việc khẩn trương với nhà chức trách để sớm đưa ngay vào khai thác. Ba máy bay thuê ướt sẽ đóng góp khoảng 75.000 ghế, tương đương hơn 400 chuyến bay”, đại diện VNA thông tin thêm.

Tính đến ngày 7.1, tỷ lệ lấp đầy các chặng bay trọng điểm trong giai đoạn từ 15 – 27.1 của Vietravel Airlines đã đạt 80 – 90%. Vietravel Airlines dự kiến sẽ tăng thêm một số chuyến bay chặng TP.HCM – Hà Nội giai đoạn từ 12 – 20.1 để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách. Song song đó, hãng cũng đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi để phục vụ hành khách giai đoạn này như: “Chào năm mới bay giá hời” với giá chỉ từ 25.000 đồng, “Mai, đào chưng tết – Mang xuân về nhà”.

Nhóm TT