Báo Tin Online

Nơi cung cấp thông tin mới nhất

GIẢI TRÍ TIN TỨC

Quán cơm treo ‘no bụng ấm lòng’, lan tỏa yêu thương giữa TP.HCM vội vã

Cứ vào trưa hoặc chiều, các nhân viên của một quán cơm trên đường Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TP.HCM) lại khệ nệ bưng chiếc thùng nhựa kèm tấm bảng “cơm treo” để trước phía trước quán. Chốc chốc lại có vài cô chú lớn tuổi tấp vào lấy những hộp cơm rồi lên xe đi tiếp.

Chuyện về những phần cơm treo ấm lòng người qua đường

Đã hơn 18h chiều, cái giờ nhá nhem đánh dấu hết 1 ngày làm việc đối với những người lao động bình thường. Vào khung giờ này, những dòng người hối hả bắt đầu đổ ra đường với mong muốn nhanh chóng về nhà, cùng gia đình, người thân tận hưởng khoảnh khắc sum họp trong bữa cơm tối nóng hổi, ấm áp yêu thương.

Ấy thế mà điều có vẻ bình thường, giản đơn đối với bao người lại là 1 điều gì đó xa xỉ đối với một số người khác.

Chú Thanh (ngoài 60 tuổi) tấp nhanh vào quán cơm trên đường Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TP.HCM). Lúc này, chú cẩn thận nép chiếc xe máy đã lâu đời của mình vào vách quán để tránh gây ảnh hưởng đến những thực khách khác.

Dường như đã trở thành một “khách quen” từ trước, chú Thanh nhanh chóng đi đến thùng nhựa với dòng chữ “cơm treo” được để phía trước mở nắp lấy tấm thẻ rồi bước vào quán, nói nhỏ với một nhân viên.

Quán cơm treo ‘no bụng ấm lòng’, lan tỏa yêu thương giữa TP.HCM vội vã - 1

Thẻ lấy cơm treo tại quán.

Quán cơm treo ‘no bụng ấm lòng’, lan tỏa yêu thương giữa TP.HCM vội vã - 2

Chú Thanh chạy xe ôm tranh thủ lấy phần cơm sau 1 ngày dài chạy xe vất vả.

Chỉ khoảng chưa tới 5 phút sau, một phần cơm nóng hổi đã được đem, chú Thanh dù không thể giấu được nét mệt mỏi sau một ngày lao động nhưng vẫn phảng phất đâu đó sự vui mừng khi cầm trên tay hộp cơm.

Tâm sự với phóng viên, chú cho biết bản thân hành nghề xe ôm truyền thống, ngày chạy được ngày không, cuộc sống vô cùng bấp bênh. Tiền mỗi ngày kiếm được dù ít ỏi chú vẫn cố gắng tích cóp đem về cho người vợ ở nhà nay đang bị hành hạ bởi nhiều căn bệnh tuổi già.

Từ hôm biết quán cơm treo ở đây, chiều nào chạy xe chú cũng tranh thủ ghé lấy 1 phần cơm về cho bà xã ở nhà ăn trước rồi chú đi chạy xe tiếp. Tối về tới nhà mà bà xã ăn còn dư thì chú ăn luôn là cũng đủ no bụng, đây cơm họ làm nhiều lắm, không lo thiếu. Nói chung mấy nay có cái mô hình cơm treo này chú rất là mừng”, chú Thanh chia sẻ rồi vội chào từ biệt sau đó nhanh chóng lên xe mất hút vào dòng người hối hả.

Chỉ ít phút sau, người phụ nữ với chiếc xe chất đầy đồ ve chai cũng vội tấp vào quán. Chị ấp úng hỏi bạn nhân viên: “Cơm treo ở đây chị lấy về thì tính sao vậy?”.

Sau khi được nhân viên giải thích cơm treo được lấy miễn phí, chị xin cho 2 hộp để đem về cho 3 đứa con ở nhà ăn. Chị giới thiệu tên Nhật Hạ, năm nay cũng đã gần 40 tuổi. chị Hạ đang đi làm công nhân nhưng thời gian gần đây bị giảm lương nên để nuôi đàn con 3 đứa đang tuổi ăn học, buổi chiều sau khi tan làm chị sẽ chạy xe dọc các tuyến đường để nhặt ve chai bán kiếm thêm.

Quán cơm treo ‘no bụng ấm lòng’, lan tỏa yêu thương giữa TP.HCM vội vã - 3

Các hộp cơm đầy ắp chuẩn bị đến tay nhiều người lao động.

Chị Hạ cho biết hôm trước cũng nghe người hàng xóm nói nên mới biết ở đây có một quán “cơm treo”.

Có cơm treo như thế này cũng đỡ cho bà con khó khăn hay người lao động nghèo nhiều lắm chứ, như tôi 3 đứa con mà xin được nhiêu đây cơm là chiều nay cũng đỡ phải lo biết bao nhiêu rồi. Mà tụi nhỏ thì được no bụng, có sức mà học nên tôi mừng và cảm ơn vô cùng”, chị Hạ chia sẻ.

Chung tay lan tỏa yêu thương từ những điều nhỏ bé

Được biết, quán cơm treo này được vợ chồng chị Trúc Mai và anh Huỳnh Tấn Minh lên ý tưởng từ 1 lần vô tình xem được một video trên TikTok về một quán cơm tại TP.HCM thực hiện “cơm treo” và quyết định triển khai mô hình này ngay tại quán mình.

Bạn Nguyễn Văn Hiếu (SN 2002, quê Bình Định) là nhân viên của quán cũng trợ lý đã đồng hành cùng vợ chồng chị Mai thực hiện những suất cơm treo đầu tiên đến tận bây giờ. Hiếu chia sẻ: “Ban đầu khi chị Mai và anh Minh nói sẽ làm cơm treo thật sự bản thân em cũng chưa hiểu mô hình này là gì, nhưng khi tìm hiểu thì thấy nó rất là nhân văn. Với lại trong quá trình bán cơm ở đây, bọn em chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh tội nghiệp, thấy rất thương nên quyết định cùng chung tay thực hiện thật tốt mô hình ý nghĩa này”.

“Ngày đầu tiên khi bọn em nghe thấy anh chị chủ nói cần vài bạn phụ 2 tiếng ngồi canh thùng cơm, đừng để thùng cơm bị thiếu, tụi em nhận ngay. Tuy tụi em là sinh viên chưa có nhiều tiền nhưng vẫn muốn góp một phần nào đó để giúp mô hình cơm treo được nhân rộng”, Hiếu tâm sự thẩm.

Quán cơm treo ‘no bụng ấm lòng’, lan tỏa yêu thương giữa TP.HCM vội vã - 4

Ngày nào bạn Hiếu cùng các bạn trong nhóm cũng thực hiện các suất cơm treo vào 2 khung giờ trưa và chiều để trao cho bà con có nhu cầu.

Quán cơm treo ‘no bụng ấm lòng’, lan tỏa yêu thương giữa TP.HCM vội vã - 5Mỗi buổi trưa và chiều, bạn Hiếu cùng team sẽ đặt thùng nhựa chứa các hộp cơm treo trước quán để phục vụ bà con.

Mô hình cơm treo này được quán thực hiện từ tháng 5 đến nay. Ban đầu quán chỉ thực hiện treo thùng cơm trước quán vào 2 khung giờ là vào lúc trưa từ 11h đến 13h và chiều từ 17h đến 19h.

Mỗi phần cơm chỉ mất vài phút để chuẩn bị, vì thế cơm luôn nóng sốt. Cơm treo tặng cho khách cũng như cơm bán, đảm bảo chất lượng. Các phần cơm ở quán rất đa dạng, tùy thuộc vào thực đơn hiện có của quán như cơm sườn, cơm gà.

Để tránh tình trạng cơm bị hư nhanh do để ngoài trời, các bạn nhân viên chỉ đặt 1-2 hộp cơm mỗi lần vào thùng. Họ thay phiên nhau quan sát và khi thấy hết cơm, nếu bếp chưa kịp làm thêm, các bạn sẽ mời khách vào trong ngồi chờ.

Quán cơm treo ‘no bụng ấm lòng’, lan tỏa yêu thương giữa TP.HCM vội vã - 6

Cơm chiên được nhân viên hâm nóng trước khi trao cho bà con.

Dù vậy cũng có những ngày do các yếu tố khách quan khiến một số phần cơm chưa kịp đến tay các cô bác khó khăn đã hư nên gần đây quán quyết định chuyển sang bỏ thẻ vào trong thùng. Cô chú nào muốn cứ đến mở thùng lấy thẻ đi vào quán sẽ có nhân viên lấy cơm cho, như vậy đảm bảo cơm lúc nào cũng nóng sốt.

Ngoài mô hình cơm treo, trước đó quán cơm của vợ chồng anh Minh, chị Trúc còn làm buffet miễn phí cho mọi người.

Ban đầu, quán có tấm thẻ ghi: “Sinh viên khó khăn cứ báo, quán tặng cơm miễn phí” nhưng không ai liên hệ. Vì thế, họ quyết định làm buffet miễn phí với cơm, canh, kem và tráng miệng. Khi mở thêm mô hình cơm treo, anh chị dặn dò nhân viên mời khách vào quán ăn buffet miễn phí.

Quán cơm treo ‘no bụng ấm lòng’, lan tỏa yêu thương giữa TP.HCM vội vã - 7

Nhiều bà con đến nhận cơm treo.

Quán cơm treo ‘no bụng ấm lòng’, lan tỏa yêu thương giữa TP.HCM vội vã - 8

Quán trao nhiều suất cơm cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn…

Có thể thấy, mô hình cơm treo hiện đang ngày càng nở rộ tại TP.HCM. Những quán cơm đáng yêu này không chỉ là điểm đến cho bà con khó khăn mà còn là sự sẻ chia, tình thương của những con người dành cho nhau. Những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn này đang từng ngày lan tỏa, giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn mỗi ngày.

Nguồn: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/quan-com-treo-no-bung-am-long-lan-toa-yeu-thuong-giua-tphcm-voi-va-c8a77841.html